TẠI SAO TÔI CHỌN KINH DOANH?

TẠI SAO TÔI CHỌN KINH DOANH?

Giống như chính tiêu đề của bài viết này, câu hỏi tại sao luôn là câu hỏi mà chúng ta cần phải trả lời trước khi bắt tay vào làm một việc gì đó. Và khi muốn làm điều gì đó thành công, cần tưởng tượng ra hình ảnh bản thân sẽ trở thành trong tương lai. Bởi lẽ nếu như chúng ta không biết mình muốn đi đâu thì việc lựa chọn con đường nào cũng giống nhau cả thôi, chúng ta sẽ mãi loay hoay trong vô định mà chẳng bao giờ đi đến đích.

Quả thực là tôi không mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định đi theo con đường kinh doanh. Hình ảnh mà tôi muốn trở thành trong tương lai đó chính là một doanh nhân thành đạt, có sản phẩm dịch vụ mà tất cả mọi người đều yêu mến đón nhận. Làm sao để thực hiện nhiệm vụ đó, đây rõ ràng không phải là điều dễ dàng.

lê quang ánh

Doanh nhân đó chính là người làm kinh doanh, tuy nhiên trước khi làm kinh doanh cần học cách làm người. Trên đời này có rất nhiều việc khó thực hiện nhưng không có việc nào khó hơn làm người.

Thất bại to lớn đầu tiên trong đời

Bản thân tôi tự nhận mình sinh ra và lớn lên với sự trải nghiệm ít ỏi, lúc ra trường đi làm tôi mới có những trải nghiệm đầu tiên của cuộc đời. Học thuộc bài để thi trên giảng đường là học, gặp một người lạ biết cách tạo mối quan hệ, tạo nhân duyên tốt đó cũng chính là học.

Bài học đầu tiên mà tôi nhận được sau khi ra trường là bài học về tính cách, thái độ, lễ nghĩa. Câu nói “tiên học lễ, hậu học văn” là câu nói rất nổi tiếng, tuy nhiên áp dụng nó thế nào không phải là điều mà ai cũng biết.

Là sinh viên trường đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, lại tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa đầu ra của ngành Điện – Điện Tử, tôi tự tin nộp đơn vào các công ty nước ngoài. Giai đoạn lần đầu tiên đi làm là khoảng thời gian cho tôi nhiều bài học về cách làm người nhất.

Tôi với tính tự cao, luôn cho mình là đúng trong tất cả mọi chuyện, chẳng chịu nghe lời ai. Kỹ năng làm việc nhóm yếu kém của tôi khiến thỉnh thoảng giữa tôi và đồng nghiệp xảy ra bất đồng, tôi cũng chẳng có kỹ năng hòa giải các bất đồng đó. Chuyện gì đến cũng phải đến, tôi bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực về người khác trong khi không chịu nhìn lại những hành động và lời nói của bản thân. Điều này làm cho năng suất công việc ở công ty của tôi giảm đáng kể, tôi không còn động lực làm việc, cũng không hứng thú trong kết giao bạn bè, lúc này tôi cảm thấy bế tắc.

Tôi không phải sinh ra đã có thói quen đặt câu hỏi tại sao. Rõ ràng vào thời điểm đó, những gì tôi làm vẫn rất cảm tính. Để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, tôi tìm khắp tất cả các trang internet về tính cách con người, sự tự ti, đố kỵ, tôi không dám chia sẻ chuyện này với ai cả. Suốt hai tháng liền mày mò, một tia sáng lóe lên khi tôi bắt gặp Đông y, lại còn biết đến Phật giáo, tôi bắt đầu nghiên cứu, bắt đầu xem những video về cách đối nhân xử thế, nhân quả, và nhiều điều khác nữa.

Từ những kiến thức học được, tôi bắt đầu áp dụng cho riêng mình và thấy được những lợi tích to lớn mà nó mang lại. Cuối cùng tôi cũng thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và mọi thứ xung quanh, tôi trở nên yêu đời, bắt đầu muốn thực hiện những dự định lớn lao trong tương lai.

Trở thành người thích giải quyết vấn đề

Sau thời gian tôi gọi là khoảng thời gian đi xuống đó, tôi nhận ra rằng xung quanh có rất nhiều người giống mình. Tôi muốn chia sẻ với mọi người những gì tôi học được. Nhưng mọi người không bị bạn thuyết phục, chính họ mới là người thuyết phục bản thân họ. Nếu bạn muốn thuyết phục một ai đó, không phải là qua lời nói, mà chính là thông qua những việc bạn làm, kết quả mà bạn đạt được.

Thay đổi nhân sinh quan

Đầu tiên là vấn đề về nhân sinh quan, gia đình tôi bắt đầu nhận ra sự thay đổi trong tính cách của tôi. Từ một người hướng nội, luôn giữ kín mọi chuyện trong lòng, tôi trở nên cởi mở hơn, hòa đồng hơn với mọi người. Chính điều này làm kích thích sự tò mò của người thân trong gia đình, tôi đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh tích cực, qua đó ảnh hưởng tốt lên các em tôi.

Doanh nhân là người thích giải quyết vấn đề

Ham học hỏi và tìm cách giải quyết các vấn đề khó đang diễn ra xung quanh là một đức tính tốt mà người kinh doanh nào cũng cần có. Ngoài ra, sự kiên trì và quyết tâm giúp chúng ta bổ sung những kỹ năng khác. Cuộc sống luôn đầy ấp những vấn đề ngổn ngang, và đất nước cần những con người đi giải quyết những vấn đề đó.

Để trở nên hạnh phúc

Để trở nên hạnh phúc, hãy trở thành người gieo quà tặng, thích chia sẻ. Những giá trị tôi học được từ Đông y, Phật giáo quá to lớn, nó biến tôi từ một con người vị kỷ trở nên yêu thương, thích chia sẻ với mọi người xung quanh. Nếu bạn có một ý tưởng, một sản phẩm tốt, không còn cách nào khác, con đường kinh doanh sẽ giúp bạn chia sẻ những điều này đến với mọi người. Tính tình vui nhộn, hài hước và thích chia sẻ là hình ảnh mà tôi luôn mong muốn trở thành.

Mục đích sau cùng của việc khởi nghiệp

Doanh nhân không phải là người kiếm được nhiều tiền, doanh nhân là người mà ngoài sự thỏa mãn giàu sang của bản thân, họ luôn mong muốn mang lại nhiều giá trị hơn cho người khác.

“Nếu có nhiều tiền, hãy sử dụng chúng để giúp đỡ được nhiều người hơn” Jack Ma.

Việc khởi nghiệp, trở thành doanh nhân là những bước đi trên con đường thực hiện những ước mơ của bản thân, mang lại lợi ích cho xã hội nơi mình đang sống, và được mọi người yêu mến.

Bạn thân mến, qua câu chuyện của mình, tôi hi vọng bạn có thêm động lực và quyết tâm để thực hiện những điều còn ấp ủ của bản thân, nhất là kinh doanh và khởi nghiệp.

Lê Quang Ánh 

Chủ sáng lập thương hiệu Nesfaco

www.nesfaco.com

About Lê Quang Ánh