Ý CHÍ LÀ GÌ? KHI NÀO CON NGƯỜI CÓ Ý CHÍ MẠNH MẼ NHẤT?
Gõ cụm từ khóa “Ý chí là gì?” trên google ngay lập tức xuất hiện hàng ngàn câu trả lời, hay có dở có, ấy vậy mà khi lục tung cả google lên, tôi vẫn không tìm thấy một bài luận nào trả lời một cách chính xác rằng ý chí con người từ đâu mà có, “làm cách nào để sinh ra một con người có ý chí mạnh mẽ”. Giáo dục ý chí bản thân nó là mức giáo dục cao nhất nhưng lại không mấy ai quan tâm, trong khi việc bổ sung kiến thức hàng ngày lại rất đại trà.
Nhìn vào tháp nhu cầu của Maslow bên trên, ta thấy được động lực con người sẽ lớn nhất khi con người ta cần đạt những những mục tiêu ban đầu, thấp nhất trong biểu đồ. Mà cụ thể đó chính là ăn, mặc, ở, … những thứ không thể thiếu với bất kì một ai.
- Khi nào bạn có thể cam đảm nhận lãnh mọi công việc?
- Khi nào bạn làm việc quên ngày quên tháng, chẳng buồn đi ngủ?
- Thời gian với bạn như kẻ thù, bạn có cảm giác sao mà đồng hồ chạy nhanh đến thế?
Câu trả lời là nếu hôm nay bạn không làm gì cả, ngày mai sẽ không có cái để ăn, chẳng có nhà để ở, không có áo quần để mặc… Vậy ý chí có phải sinh ra trong hoàn cảnh con người ta “Không sở hữu bất kì điều gì trong tay?”, hay còn gọi là cảnh sống nghèo.
“Đói cơm rách áo thèm nhem, No cơm ấm áo lại thèm nọ kia” cũng là ý này.
Nhưng vì cái ăn, cái ở, cái mặc hàng ngày mà hành động bất chấp mọi điều, có khi không đúng với luân thường đạo lý, hãm hại người khác,… điều này lại hoàn toàn sai lầm. Vậy thì hoàn cảnh khó khăn, sống nghèo, tiện nghi những gì cần thiết, tránh xa hoa cũng chỉ là điều kiện cần để tạo ra một con người có ý chí, nó vẫn chưa đủ.
Định nghĩa một con người có ý chí: Người có tâm thái chiến thắng, không khuất phục khó khăn, biến chuyện khó thành chuyện dễ dàng, …điều này hoàn toàn chỉ có thể làm được khi người ấy hiểu được những quy tắc hết sức quan trọng của cuộc sống. Đây mới là điều kiện đủ.
Những nguyên tắc quan trọng đó là gì?
Thường khi chúng ta sợ hãi một điều gì, chúng ta thường rút lui, bỏ chạy, hoặc có tâm lí cho rằng “không thể được, tôi không thể làm một việc như thế”. Còn khi chúng ta yêu thương, quan tâm một điều gì, hóa ra chúng ta không sợ hãi, mà còn tự tin, dám trải nghiệm, chấp nhận thử thách.
Nguyên tắc quan trọng nhất để có ý chí mạnh mẽ là tinh thần chấp nhận những khó khăn, và xem đây là một điều cần thiết cho ta trưởng thành. Những gì đang đến với ta là vì ta còn thiếu điều đó, nó đến và trở thành vấn đề, chỉ khi nào con người ta trở nên lớn hơn, yêu thương nhiều hơn, vấn đề sẽ tự động tiêu rụi.
Ở Phương Tây, nơi mà kinh tế tư bản (sở hữu và sở hữu) là quan trọng, người ta cho rằng yêu thương và cho ra là để nhận lại. Nhưng nếu cho ra mà không nhận lại được chính xác thứ mà bạn mong muốn, có phải ý chí trong con người ta sẽ càng ngày càng yếu đi, có khi là mất hẳn?
Ở Phương Đông thì ngược lại, khái niệm cho đi là cho ra, cho và cho không cần lấy lại. Và cho ra là để tỏ rõ lòng biết ơn cuộc sống, vì hoàn cảnh của ta tốt hơn nhiều người, nên những gì ta cho ra không phải là mất đi đâu cả, chỉ là điều ta cần làm để đền ơn cuộc sống đã ban tặng cho ta quá nhiều thứ.
Một ngày thức dậy lành lặn, có thể nở nụ cười, bay nhảy, ca hát, làm những việc mình muốn làm, … chúng ta đã nhận quá nhiều thứ. Vì không mong cầu phải nhận lại thứ A, điều B, … càng cho đi, ý chí trong con người càng mạnh mẽ hơn.
Nếu như hoàn cảnh khó khăn, thử thách, sống nghèo, chỉ tiện nghi những gì cần thiết là điều kiện cần, thì yêu thương, chấp nhận khó khăn và cho đi là điều kiện đủ để sinh ra một con người có ý chí mạnh mẽ.
Lê Quang Ánh – Chủ sáng lập công ty cổ phần Nesfaco